Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Vietjet ký các hợp đồng, thỏa thuận trị giá 4,7 tỷ USD trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trong số 4,7 tỷ USD Vietjet ký kết có 3,6 tỷ USD là hợp đồng mua 215 động cơ máy bay kèm dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng của CFM.

Ngày 31/5 tại Washington D.C, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur L. Ross, Jr, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet và Công ty CFM International- một liên doanh giữa GE và Safran đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng. Hợp đồng này trị giá 3,58 tỷ USD và được thực hiện trong vòng 12 năm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, hãng định hướng sử dụng những dòng máy bay và động cơ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường và dòng động cơ theo hợp đồng này giúp Vietjet tiết kiệm tới 15% lượng nhiên liệu tiêu hao, kèm theo các dịch vụ toàn diện về bảo dưỡng, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo.

Cũng trong dịp này, Vietjet và Công ty GECAS thuộc tập đoàn GE đã ký Bản Ghi nhớ Hợp đồng cung cấp tài chính Thuê mua tàu bay trị giá 1 tỷ USD cho 10 máy bay mà VietJet đặt hàng từ các nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, Vietjet cũng đã ký kết với tập đoàn Honeywell Aviation hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ phụ (APU) cho 98 máy bay trị giá 180 triệu USD. Thoả thuận này sẽ giúp đội bay của Vietjet được bảo dưỡng theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Hà Mai

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Nhà mạng tự quyết định giá cước gọi quốc tế từ hôm nay 1/6

Từ ngày 1/6/2017, việc hợp tác kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng quốc tế với các đối tác nước ngoài sẽ do doanh nghiệp chủ động đàm phán theo nguyên tắc thỏa thuận thương mại, phù hợp với thực tế kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng quốc tế đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia.

Thông tin này được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) công bố mới đây nhằm thúc đẩy khuyến khích phát triển, đầu tư vào Việt Nam khi tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được dùng dịch vụ Chuyển vùng quốc tế với giá cước phù hợp với thực tế.

Thực hiện chủ trương “quản lý giá cước theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp” được quy định tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020”, Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát tình hình thực tế kinh doanh và xây dựng phương án điều chỉnh kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng di động quốc tế đảm bảo hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sau 2 năm triển khai biện pháp quản lý tại công văn 1468/CVT-GCKM và công văn 1469/CVT-GCKM ngày 17/10/2014, môi trường kinh doanh đã đổi mới không ngừng, nhiều dịch vụ đa dạng đã được phát triển có khả năng thay thế dịch vụ Chuyển vùng và thực tế thị trường dịch vụ Chuyển vùng quốc tế của Việt Nam cũng có nhiều đổi mới.

Các doanh nghiệp đã kinh doanh trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không doanh nghiệp nào có khả năng khống chế thị trường, ảnh hưởng đến giá cước Chuyển vùng quốc tế nên thị trường này không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước.

Vì vậy Cục Viễn thông công bố: “Từ ngày 01/06/2017 việc hợp tác kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng quốc tế với các đối tác nước ngoài sẽ do doanh nghiệp chủ động đàm phán theo nguyên tắc thỏa thuận thương mại, phù hợp với thực tế kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng quốc tế đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia”.

Hồng Vân

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Chỉ đề xuất giảm 0,5% quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động là không công bằng

Hiện nay Luật việc làm quy định quỹ bảo hiểm thất nghiệp do 3 tổ chức đóng, nhà nước 1%, chủ sử dụng lao động 1%, người lao động 1%.

Bổ sung dự án, dự án điều chỉnh mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đây là đề nghị của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thành viên Đoàn thư ký kỳ họp, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội trong phiên làm việc thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Theo ông Lợi, về điều chỉnh xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2017 Chính phủ đã đề xuất bổ sung 2 dự thảo về nghị quyết. Nghị quyết thứ nhất là xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hai là điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa đưa dự thảo nghị quyết điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp vào kỳ họp thứ 3, lý do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan.

Đại biểu này đưa ra 2 lý do như sau cần đưa nội dung này vào kỳ họp tới bởi:

Đây là nghị quyết thể chế hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta.

Thứ hai, điều kiện để thực hiện nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là hoàn toàn có cơ sở. Theo ông Lơi, cho đến nay, quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta kết dư 58.000 tỷ, nếu chúng ta giảm 0,5% quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động thì mỗi một năm chủ sử dụng lao động tiết kiệm được 3.500 tỷ, giảm mức đóng của doanh nghiệp với các phần thu trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản đóng kể cả 2% của công đoàn.

Như vậy, hiện nay Luật việc làm quy định quỹ bảo hiểm thất nghiệp do 3 tổ chức đóng, nhà nước 1%, chủ sử dụng lao động 1%, người lao động 1%.

"Hai năm vừa qua do kết dư quỹ của chúng ta rất cao nên nhà nước không đóng 1%. Bây giờ nếu chúng ta đề xuất chỉ giảm 0,5 cho chủ sử dụng lao động thì có nghĩa nó không công bằng giữa 3 thành phần tham gia vào quỹ này. Nhà nước thì không đóng, chủ sử dụng giảm 0,5%, người lao động vẫn phải đóng 1%. Điều này không công bằng", ông Lợi góp ý.

Đại biểu đến từ đoàn Thanh Hóa cho rằng việc thể chế hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ đặt ra trong điều kiện hiện nay rất cần thiết và rất đáng khích lệ để cho chủ sử dụng lao động và người lao động được khuyến khích cổ vũ để chúng ta phát triển kinh tế, xã hội và cũng chính là điều kiện để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% dự kiến năm 2017.

Theo Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm nhân sự mới

Ông Lương Quốc Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức kiểm soát viên chuyên trách tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; đồng thời kiêm làm kiểm soát viên tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ngày 31/5, Bộ Giao thông vận tải đã trao Quyết định số 1566/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm ông Lương Quốc Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ chức kiểm soát viên chuyên trách tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Đồng thời kiêm làm kiểm soát viên tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thay thế bà Trần Thị Minh Hiền kiểm soát viên chuyên trách Tổng công ty được điều động làm Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ Giao thông vận tải.

Ông Lương Quốc Việt đã từng nắm giữ những trọng trách khác nhau, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Bộ Giao Thông vận tải. Đồng chí sẽ thực hiện vai trò kiểm soát viên chuyên trách tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.

Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, ông Lương Quốc Việt gửi lời chào đến toàn thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Ông cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, sự ủng hộ của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Tổng công ty đã tạo điều kiện để đồng chí nhận nhiệm vụ mới.

Y Vân

Theo Nhịp sống kinh tế

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Khi du lịch dịp nghỉ lễ biến thành "hành xác"

Du lịch hút khách là điểm đáng mừng vì nó phản ánh sự sung túc của xã hội và sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển theo, song bên cạnh đó cũng có không ít vấn đề tồn tại

4 ngày nghỉ lễ đã qua nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại. Một ấn tượng đậm nét nhất với rất nhiều người chọn đi du lịch thời gian đó, có lẽ đúng như tờ Thanh niên nhận định: Khắp nơi đều quá tải!

Một điểm sáng của hoạt động du lịch kỳ này, đó là du lịch biển. Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các địa phương có thế mạnh về du lịch biển đạt doanh thu cao nhờ lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng đột biến.

Tại Khánh Hòa, tổng lượt khách đến các điểm tham quan, vui chơi, giải trí trong 4 ngày ước đạt trên 650.000 lượt. Tại Vũng Tàu, Hạ Long - Quảng Ninh, Sầm Sơn - Thanh Hóa cũng "thắng lớn" với hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn lượt khách, các khách sạn, nhà nghỉ hoạt động hết công suất.

Đáng mừng nhất là du lịch biển miền Trung đang dần hồi sinh sau sự cố môi trường vào năm ngoái gây thiệt hại nặng nề. Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, các bãi biển miền Trung từ Nghệ An đến Huế đồng loạt "vỡ trận" do lượng khách đột ngột dồn về quá lớn. Du khách ăn hải sản, tắm biển nườm nượp. Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn một năm kinh doanh thành công cho du lịch biển nơi đây.

Thế nhưng, bên cạnh điểm sáng thì những điểm tối vẫn còn không ít. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn, nhất là ngày đầu kỳ nghỉ, tình trạng ùn ứ quá tải ở các điểm vui chơi, tình trạng chật vật chen lấn tại các bến xe, sân bay; chật vật tìm phòng nghỉ; rồi hình ảnh bãi biển tràn ngập rác thải do khách xả xuống. Hàng quán bán đồ ăn, thức uống bày ra khắp nơi. Không ít quán ăn ra tay "chặt chém" du khách.

Tờ Người Lao động ghi nhận cảm thán của không ít du khách, khi đi chơi lễ mà như đi hành xác. Háo hức đến nơi, nhưng vừa đến đã lại... muốn về.

Tờ Tiền Phong nhận định: "Dường như chúng ta đang thừa nhu cầu hưởng thụ song lại thiếu vắng hẳn ý thức ở nhiều phạm trù, từ sự tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng luật lệ giao thông tới sự chuyên nghiệp hay đạo đức kinh doanh…"

Tờ Người Lao động cho rằng: "Đừng tổ chức du lịch chỉ chăm chăm vào túi tiền của du khách và khai thác tối đa tiềm năng thiên nhiên sẵn có, hãy học những quốc gia có ngành du lịch bảo tồn. Những khu rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm mật, du khách tham quan với số lượng hạn chế và nguyên tắc luôn được đặt ra: Đừng để lại gì trong rừng ngoài những dấu chân".

Theo PV

VTV1

Đọc tiếp »

Quảng Bình kiểm điểm Chủ tịch huyện vì điều chuyển hàng loạt cán bộ

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đã nhận những thiếu sót, khuyết điểm trong việc điều chuyển ồ ạt cán bộ, giáo viên trong thời gian qua.

Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Đinh Hữu Niên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa về việc điều chuyển hàng loạt cán bộ giáo viên không đúng quy định.

Kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của huyện Minh Hóa khi điều chuyển 145 cán bộ, giáo viên tại 43/53 trường học trên địa bàn huyện trong năm 2016.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, tại cuộc họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, ông Đinh Hữu Niên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đã nhận những thiếu sót, khuyết điểm trong việc điều chuyển ồ ạt cán bộ giáo viên trong thời gian qua; đồng thời nêu ra các biện pháp khắc phục.

“Cấp ủy có chỉ đạo kiểm điểm theo kết luận của Ban Thanh tra liên ngành và giao cho UBND huyện xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả. Việc khắc phục hậu quả phải hoàn thành trước khi bước vào năm học mới” – ông Đoàn Ngọc Lâm nói.

Như VOV đã phản ánh , đầu năm học 2016-2017, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cùng lúc luân chuyển 145 giáo viên, cán bộ quản lý giữa các trường trên địa bàn huyện.

Toàn huyện có 53 trường thì có đến 43 trường có lệnh điều chuyển, nhiều trường hợp điều chuyển không hợp lý, gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên. Việc điều chuyển đồng loạt giáo viên trong cùng một thời điểm đã khiến cuộc sống sinh hoạt của nhiều cán bộ, giáo viên đảo lộn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Theo PV

VOV

Đọc tiếp »

Ông Đinh La Thăng bị thôi chức ủy viên Bộ Chính trị

Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khoá 12 với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%.

Theo thông cáo ngày làm việc thứ ba của hội nghị Trung ương 5 hôm nay, buổi sáng, Ban chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều hành phiên họp.

Sau khi nghe ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng , ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; và nghe ông Đinh La Thăng phát biểu ý kiến, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị.

Vi phạm rất nghiêm trọng

Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy: Ông Đinh La Thăng, mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị ông giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 - 2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.

Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khoá 12 với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%.

Ông Đinh La Thăng được bầu vào Bộ Chính trị khóa 12 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tháng 1/2016. Ông trúng cử ủy viên Ban chấp hành TƯ khóa 12 tại Đại hội này.

Trước đó, ông là ủy viên Trung ương Đảng khoá 10, 11, đại biểu Quốc hội khoá 11, 13.

Theo Thu Hằng

Vietnamnet

Đọc tiếp »