Đòi hỏi quá cao, không chấp nhận mức lương thấp, thích việc nhẹ nhàng, ngại đi xa, cộng thêm thiếu kỹ năng mềm, giao tiếp bằng tiếng Anh kém… là những nguyên nhân khiến nhiều tân cử nhân khó chạm vào cơ hội việc làm.
Ngó lên quá cao
Mới đây, ngày hội phỏng vấn - tuyển dụng dành cho sinh viên do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM tổ chức đã thu hút hàng ngàn lượt cử nhân và sinh viên sắp tốt nghiệp tham dự. Với nhu cầu tuyển dụng phong phú, đa dạng - khoảng 5.000 đầu việc làm, lao động trẻ có cơ hội đăng ký phỏng vấn, tìm được công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn.
Bên cạnh các vị trí việc làm cao cấp như quản lý, chuyên gia kỹ thuật, nhân sự, chuyên viên mạng, trợ giảng tiếng Anh, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu là các ngành nghề tài chính, ngân hàng, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, tổng đài viên... Tuy nhiên, đến với ngày hội tuyển dụng này, nhiều cử nhân sắp và đã tốt nghiệp 1 - 2 năm vẫn chưa thể tìm được việc làm như mong muốn.
Lý giải điều này, anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM, cho rằng nhiều trường hợp có tâm lý cầm tấm bằng cử nhân thì phải có vị trí cao, mức lương cao, công việc nhẹ nhàng… Điều này đã khiến họ từ chối nhiều công việc có thể làm ngay để bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng.
Theo phân tích của anh Hoàng, ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề, các nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm ứng viên giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng mềm cao như kỹ năng đàm phán thương lượng, làm việc nhóm... và các tố chất khác như chịu khó, ham học hỏi, năng động, giao tiếp tốt, hiểu biết cơ bản về vi tính, văn phòng, trung thực, trách nhiệm, khả năng chịu áp lực cao trong công việc… Thế nhưng, hành trang mà sinh viên mới ra trường đều “nhẹ” - thiếu, yếu về các kỹ năng mềm này.
Phân tích về thực trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng mỗi năm, chuyên gia lao động Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo thị trường lao động TPHCM) cho rằng lao động trẻ, có trình độ cao của Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng đạt chuẩn để tham gia thị trường luân chuyển lao động tự do trong khối ASEAN. Dù cơ hội việc làm mở ra cho 8 ngành nghề hội nhập thị trường lao động khu vực, nhưng đến nay, Việt Nam mới có duy nhất ngành du lịch xây dựng tiêu chuẩn chung của ASEAN.
Đào tạo thừa, chất lượng thấp
Theo Th.S Nguyễn Thị Phú, Trung tâm Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, có đến 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, 27% không tìm được việc làm vì lý do ngành học không phù hợp với thị trường lao động. Đáng nói hơn là có đến 18% sinh viên tốt nghiệp những ngành đào tạo mà nhà sử dụng không biết đến sự có mặt của nó.
Thực tế này cho thấy lỗ hổng trong công tác cố vấn học tập, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ở các trường đại học (ĐH). Mặt khác, do giáo dục ĐH lệch hướng, chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục ĐH không chỉ quảng bá sai sự thật để đánh bóng tên tuổi mà còn cho ra lò nhiều sản phẩm “dỏm”, gán mác cử nhân, thạc sĩ. Và cũng vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở giáo dục vẫn tuyển sinh những ngành nghề mà thị trường lao động đã dư thừa, khiến cho bức tranh thất nghiệp càng thêm trầm trọng.
Thực tế này đã được các chuyên gia giáo dục cảnh báo, nhưng số vụ vi phạm bị Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thổi còi, xử lý còn ít. Chính vì thế, trong năm học này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công khai kết quả giải quyết việc làm của đơn vị mình. Kết quả này dựa theo các tiêu chí về đánh giá chất lượng đào tạo, sự hài lòng của doanh nghiệp khi sử dụng sản phẩm nhân sự của trường.
Lý giải con số mới khảo sát có trên 95% sinh viên của Trường ĐH Kinh tế có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, Th.S Phan Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng Truyền thông - quan hệ công chúng của trường, cho biết: “Không chỉ đào tạo theo chương trình tiên tiến và nhập khẩu giáo trình từ nước ngoài, nhà trường chú trọng trang bị đầy đủ kỹ năng mềm, chuỗi kỹ năng hội nhập doanh nghiệp cho sinh viên theo từng năm học thông qua các hoạt động chính khóa, ngoại khóa”. Tuy mới thành lập nhưng Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở 2 TPHCM cũng tạo dấu ấn, khẳng định thương hiệu đào tạo với kết quả 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó 73% hài lòng vì đúng chuyên môn, sở trường.
Bên cạnh những trường ĐH có uy tín, thương hiệu báo cáo đúng con số sinh viên sau 1 năm ra trường có việc làm đạt tỷ lệ cao thì nhiều trường lại lấp liếm, ảo - thật không rõ ràng. Thực tế này, đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải đổi mới công tác quản lý giáo dục bậc ĐH và xiết chặt chuẩn đầu ra thay vì chú trọng chỉ tiêu đầu vào. Để kiểm soát chất lượng đầu ra thì việc kiểm định - đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục phải độc lập, đúng thực chất và theo tiêu chí chuẩn đầu ra của giáo dục hội nhập.
Cái yếu và thiếu chung của lao động có trình độ cao, cử nhân là chưa theo kịp chuẩn kiến thức đào tạo, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ bằng tiếng Anh kém, thiếu năng động, tự tin. Vì thế, họ khó có thể hội nhập thị trường luân chuyển lao động tự do thời hội nhập. Hơn nữa, vì “rào cản” ngoại ngữ yếu, thạc sĩ, cử nhân khó chạm vào cơ hội việc làm ổn định, thu nhập cao trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam, nói chi tham gia thị phần có nhu cầu cao về xuất khẩu lao động là chuyên gia, kỹ thuật, nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Theo Khánh Bình
Sài Gòn Giải Phóng